Đánh thức hồ Hoà Bình

Những dự án bất động sản du lịch cao cấp sẽ đưa hồ Hoà Bình vươn tầm trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia như quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.

Với cảnh quan sơn thủy hữu tình, thiên nhiên hùng vĩ và được ví như một “Vịnh Hạ Long trên núi”, Hồ Hoà Bình là công trình thuỷ điện hiếm hoi của cả nước được quy hoạch trở thành khu du lịch quốc gia.

Đánh thức hồ Hoà Bình

Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình thuộc tỉnh Hoà Bình với những mục tiêu tham vọng. Theo đó, hồ Hoà Bình sẽ được phát triển trở thành một khu du lịch trọng điểm mang tầm quốc gia với sáu phân khu lớn có tổng diện tích lên tới 52.200ha với tổng số phòng lưu trú gần 6.000 phòng, có thể đón 2,5 – 3 triệu lượt khách vào năm 2035.

Theo quy hoạch này, sẽ có hai khu vực mới được phát triển theo hướng du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, trong đó phân khu Hiền Lương – Thanh Bình – Vầy Nưa thuộc huyện Đà Bắc sẽ xây dựng khoảng 1.100 phòng khách sạn và phân khu Ngòi Hoa – Thung Nai – Suối Hoa thuộc huyện Cao Phong và Tân Lạc sẽ trở thành khu trung tâm dịch vụ du lịch với diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 1.100ha, quy mô lưu trú khoảng 3.000 – 3.100 phòng.

Tuy nhiên, để trở thành một khu du lịch quốc gia, hồ Hoà Bình sẽ phải thoả mãn năm tiêu chí. Với tiêu chí đầu tiên là phải có tài nguyên du lịch đa dạng, đặc biệt hấp dẫn với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên hoặc giá trị văn hoá, hồ Hoà Bình hoàn toàn có thể thoả mãn. Nhưng với những tiêu chí khác là phải có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cáo, đáp ứng nhu cầu lưu trú và ăn uống, hồ Hoà Bình cần nguồn lực đầu tư rất lớn.

Hiện nay, các cơ sở lưu trú xung quanh hồ vẫn phát triển manh mún, với một vài cơ sở nhỏ lẻ như Mai Châu Hideaway, Mơ Village, Mai Đà Lodge và Bakhan Village. Số lượng phòng lưu trú ít nên mặc dù đón hàng triệu lượt khách mỗi năm, hồ Hoà Bình vẫn chỉ là nơi du lịch khám phá văn hoá và tâm linh đi trong ngày. Muốn thu hút và giữ chân du khách, cần có những cơ sở lưu trú chất lượng cao, quy mô lớn như đặt ra trong bản quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp để mắt đến hồ Hoà Bình. Khu vực hồ Hòa Bình thu hút 16 dự án đầu tư về du lịch, dịch vụ với tổng nguồn vốn khoảng 3.300 tỷ đồng. Một số dự án có quy mô lớn đang triển khai như Khu du lịch thiên nhiên Robinson do Công ty CP Du lịch Hòa Bình làm chủ đầu tư; Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa của Công ty CP Đầu tư năng lượng – xây dựng – thương mại Hoàng Sơn; Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình của Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng. Tuy nhiên, hầu hết dự án vẫn chưa thể triển khai xây dựng vì thủ tục đầu tư phải trải qua quy trình phê duyệt chặt chẽ liên quan đến việc phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu cũng như các tiêu chuẩn khắt khe về bảo vệ môi trường sinh thái.

Đánh thức hồ Hoà Bình

Những tín hiệu mới

Vừa qua, Archi Group, nhà phát triển dự án Shoshin Binh Thanh WorldHotels Spa & Resort, đã ký thỏa thuận hợp tác với sáu công ty du lịch Hàn Quốc, gồm Tour Family Korea, Hanatour, Koji và Big Travel với mục tiêu đưa khách du lịch Hàn Quốc tới nghỉ dưỡng tại khu vực hồ Hoà Bình. Bên cạnh đó, Archi Group cũng bắt tay với tập đoàn Best Western, một trong những tên tuổi quản lý khách sạn hàng đầu thế giới, để phát triển dự án theo tiêu chuẩn cao cấp của thương hiệu WorldHotels Spa & Resort.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Archi Group, lượng khách du lịch của hồ Hoà Bình đến từ Hà Nội vốn đã rất lớn, nhưng chủ đầu tư muốn vươn xa hơn bằng việc thu hút thêm khách quốc tế, đặc biệt là khách Hàn Quốc, nhóm khách hàng chi tiêu cao và cũng là thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam.

Ông Cho Jae Gil, Giám đốc Tour Family Korea, nhận định Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của du khách Hàn nhờ cảnh quan độc đáo, văn hóa đặc sắc và sự gia tăng tần suất chuyến bay giữa hai nước. Những địa danh nổi tiếng như Hạ Long, Đà Nẵng, và Phú Quốc đã trở thành lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, ông Cho tin rằng hồ Hoà Bình với cảnh sắc thơ mộng và giao thông thuận tiện từ Hà Nội cũng sẽ sớm thu hút lượng lớn khách Hàn.

Ông Trung cho biết thêm, dự án Shoshin Binh Thanh sẽ có 225 căn biệt thự nghỉ dưỡng nằm trên khu đồi rộng gần 13ha tại xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, trong đó, có một khu phố ẩm thực và giải trí đậm chất Hàn Quốc. Archi Group sẽ phối hợp cùng các công ty lữ hành Hàn Quốc ngay từ khâu thiết kế và xây dựng để bảo đảm dự án đáp ứng đúng thị hiếu nghỉ dưỡng, không chỉ của khách du lịch đến từ xứ kim chi mà còn thoả mãn nhu cầu của khoảng 50.000 Hàn Quốc sinh sống, làm việc ở Hà Nội và phụ cận.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông quanh hồ Hoà Bình cũng như kết nối với các trục giao thông quốc gia huyết mạch cũng tiếp tục được nâng cấp và xây mới. Dự án trọng điểm là cao tốc Hoà Bình – Mộc Châu với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng, mở ra không gian phát triển mới cho vùng miền núi trung du phía Bắc.

Trong giai đoạn 2021 – 2023, tỉnh Hoà Bình đã đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm như cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Xuân Mai – Hòa Bình và đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa; đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến quốc lộ 6; dự án đường kết nối thị trấn Lương Sơn – Xuân Mai.

Tuyến đường tỉnh 435 từ thành phố Hòa Bình lên cảng Thung Nai thuộc huyện Cao Phong được mở rộng và nâng cấp; một số tuyến đường kết nối các điểm trong khu du lịch cùng hệ thống điện lưới, sóng viễn thông tại các khu, điểm du lịch được chú trọng đầu tư, mở ra cơ hội cho hồ Hòa Bình thu hút khách, đồng thời thu hút dòng vốn đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú và các sản phẩm du lịch.